
Công tác phối hợp trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư ở thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng, là đô thị trung tâm của miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế so với các đô thị khác trong cả nước tình hình dân cư tự do từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến Đà Nẵng làm ăn, sinh sống, ngày càng nhiều và đã có nhiều đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm nhưng chính điều này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn về an ninh trật tự và an toàn xã hội (trong đó không loại trừ các đối tượng tội phạm lẩn trốn)...
Công tác phối hợp trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư ở thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng, là đô thị trung tâm của miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế so với các đô thị khác trong cả nước tình hình dân cư tự do từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến Đà Nẵng làm ăn, sinh sống, ngày càng nhiều và đã có nhiều đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm nhưng chính điều này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn về an ninh trật tự và an toàn xã hội (trong đó không loại trừ các đối tượng tội phạm lẩn trốn). Trước bối cảnh đó quán triệt tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 27/01/2004 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ, đặc biệt là Đề án 01 – 138 về phát động “Phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá giáo dục; cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có kết quả về công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Từ khi có Quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cụ thể là trong lĩnh vực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư, tình hình an ninh trật tự của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố an ninh trật tự và an toàn nhất của cả nước.
Chương trình phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được lồng ghép và cụ thể hóa trong nhiều nội dung, trong đó công tác phối hợp trong tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm đã đạt được nhiều kết quả.
Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được nhân rộng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng làm chuyển biến tích cực đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Các mô hình điển hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực đời sống, xã hội ở tất cả các địa bàn trong toàn thành phố có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến là điểm sáng, gương sáng như: “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” từ cơ sở được nhân dân đón nhận tích cực; mô hình “Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, mô hình “Tổ tự quản, khối phố an toàn, gia đình văn hóa”, “Bà mẹ không có con em vi phạm pháp luật”, “Đội dân phòng nữ”, “Tổ dân phố bình yên”, “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm”, “Tổ dân phố như một gia tộc”, “Tiếng loa an ninh”, “5 không, 4 tự giác”, “Đội sinh viên tự quản”, “Mỗi sinh viên, công dân tạm trú như một công dân ở khu dân cư” v.v... Qua các mô hình, điển hình tiên tiến được nhân rộng trên toàn thành phố đã góp phần nâng cao ý thức, hành động của nhân dân trong phát hiện tin báo, tố giác tội phạm để kịp thời thông tin tới Công an và Viện Kiểm sát cùng cấp giải quyết theo chức năng, thẩm quyền.
Theo thống kê trong 10 năm qua hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát đã đạt được nhiều kết quả tốt, trong đó công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư đã được phát huy hiệu quả. Cụ thể, số tin tố giác tội phạm cơ quan chức năng nhận được từ nhân dân năm 2006 là 4835 tin trong đó có 1608 tin có giá trị, năm 2007 nhận được 3538 tin trong đó 1402 tin có giá trị, năm 2008 nhận được 9348 tin trong đó 1965 tin có giá trị, năm 2009 là 6914 tin trong đó 1804 tin có giá trị, năm 2010 nhận được 6707 tin trong đó 2834 tin có giá trị, năm 2011 nhận được 6462 tin trong đó có 2067 tin có giá trị, năm 2012 nhận được 6407 tin trong đó có 1922 tin có giá trị và năm 2013 nhận được 5718 tin trong đó 1715 tin có giá trị. Thông tin từ các tin báo, tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân có ý nghĩa to lớn, kịp thời để cho các cơ quan chức năng xử lý vi phạm và tội phạm. Từ những phát hiện của quần chúng nhân dân đã góp phần cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm và tội phạm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ án về ma túy, mua, bán người v.v... Tin báo, tố giác về tội phạm trong cộng đồng dân cư có ý nghĩa trọng góp phần bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, tránh làm oan sai và không bỏ lọt người phạm tội.
Từ khi triển khai Quy chế phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã được các cơ quan, ban, ngành ủng hộ và đã có những kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố một số giải pháp nhằm hạn chế tình hình tội phạm.
Với mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong việc cảm hoá, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, ngăn chặn nguy cơ phát sinh tội phạm, hạn chế tình trạng tái phạm tội đối với những đối tượng đã hoàn lương, trước khi có Quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công an thành phố Đà Nẵng đã ký kết Nghị quyết liên tịch trong việc phối hợp tuyên truyền và phát động nhân dân tham gia các phong trào như: “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; gắn với việc thực hiện Đề án: “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Vì vậy, việc phát hiện tội phạm ở cộng đồng dân cư thông qua báo cáo trực tiếp với Chính quyền, Công an và hoạt động của Ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân tại các phường, xã đã được thực hiện một cách phổ biến hơn, qua các kênh: hòm thư tố giác, điện thoại đường dây nóng... Đây là phương thức đã thu thập được nhiều nguồn tin thực tế, có giá trị giúp các cơ quan chức năng có thêm cơ sở để điều tra, truy tố làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm để xử lý có hiệu quả các đối tượng vi phạm, đồng thời ngăn chặn kịp thời những biểu hiện vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động theo chức năng nhiệm vụ đã phối hợp. Thông qua đó, Viện kiểm sát đã nắm được tình hình tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật trong nội bộ nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng có điều kiện để tiếp cận các kế hoạch, chủ trương đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm của ngành Kiểm sát, từ đó giúp cho hoạt động kiểm sát có hiệu quả, đúng chức năng nhiệm vụ của Ngành, cũng như phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặt khác, thông qua hoạt động phối hợp này giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tăng cường giám sát các hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Nhìn chung, hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư đã góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, góp phần đưa thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những “Thành phố yên bình, sống tốt” của cả nước.
Công tác Mặt trận Tổ quốc tham gia phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư đã phát huy được hiệu quả góp phần vào sự nghiệp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác phối hợp đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến tích cực đưa công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Việt Nam trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lên tầm cao mới. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Mặt trận Tổ quốc và Viện Kiểm sát nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm gắn chặt với các mô hình, điển hình tiên tiến đã thúc đẩy các phong trào ngày càng có chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với đặc điểm tình hình của từng địa bàn trên thành phố.
Cũng từ thực tiễn công tác phối hợp này đã tăng thêm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm của Viện kiểm sát nói riêng và các ngành tư pháp nói chung, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thành phố ngày càng đi lên và phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác phối hợp trong 10 năm qua giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định cần khắc phục, cụ thể như sau:
1. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân thành phố trong công tác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm đôi lúc chưa được thực hiện thường xuyên do thiếu thốn về điều kiện nhân lực của các đơn vị so với khối lượng công việc cần triển khai.
2. Hai cơ quan chưa thật sự chủ động trong việc thực hiện, chưa thật sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp công tác. Hoạt động về tuyên truyền pháp luật là thật sự cần thiết để phát triển mạnh sự phối hợp công tác, nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí; vì vậy, chủ yếu lồng ghép vào hoạt động chuyên môn của từng đơn vị nên hiệu quả đem lại chưa cao.
3. Chưa thường xuyên thông báo những nội dung có liên quan theo quy định của pháp luật, để kịp thời xử lý, thực hiện theo yêu cầu công tác của mỗi bên.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác thực sự hiệu quả, chất lượng, góp phần thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cũng như quyền và trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được pháp luật quy định, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân thành phố kiến nghị một số vấn đề sau đây:
Một là, Đề nghị bổ sung những quy định cụ thể về độ khen thưởng và bảo vệ đối với những người tích cực cung cấp các nguồn tin có giá trị về tố giác tội phạm (Điều 101 của Bộ luật Tố tụng hình sự);
Hai là, Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên tập trung theo chiều sâu, cụ thể, phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của mỗi ngành. Đặc biệt là phải củng cố bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu giúp việc chung của cả hai cơ quan để kịp thời trao đổi thông tin và theo dõi thường xuyên tình hình phối hợp. Trong đó có sự phân công, phân nhiệm cũng như các điều kiện về thi đua, khen thưởng cụ thể cho bộ phận kiêm nhiệm công tác phối hợp giữa hai ngành;
Ba là, Hai đơn vị phải thường xuyên đảm bảo duy trì chế độ hội họp, sơ kết, tổng kết theo định kỳ, đề ra chương trình hoạt động cụ thể cho từng kỳ, đồng thời nhận xét, đánh giá những việc làm được và chưa làm được để kịp thời rút kinh nghiệm; thường xuyên thông báo kết quả việc giải quyết cũng như các nội dung liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua việc phát hiện tin báo, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
Bốn là, Để tạo điều kiện và khích lệ trong công tác phối hợp thì hai ngành có chính sách về thi đua khen thưởng của cấp trên, trong nội bộ và trong cả tuyên truyền phối hợp với các cơ quan hữu quan khác khi có những đóng góp tích cực, những sáng kiến hiệu quả...
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét