Hà Nội chống dịch: Không thể “làm dâu trăm họ”
Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Ngay sau khi Hà Nội công bố thiết lập 3 vùng (vùng 1, vùng 2, vùng 3) để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ngay sau khi Hà Nội thông báo về các nhóm đối tượng, quy trình cấp giấy đi đường cho người dân từ ngày 06/9/2021. Ngay sau khi Hà Nội triển khai lập 39 chốt kiểm soát dịch bệnh để kiểm soát ra, vào vùng 1 - vùng nguy cơ cao… Trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều người bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với cách làm mạnh, quyết liệt này của chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có không ít ý kiến không đồng ý, thậm chí phê phán cách làm của Hà Nội, cho rằng đó là cách làm kiểu “ngăn sông cấm chợ”, biến Hà Nội “thành nhà tù”…
![]() |
Kiểm soát người và phương tiện trên đường Cầu Diễn |
Những người này cho rằng, thành phố Hà Nội định “nhốt dân” đến bao lâu, chống dịch cần tư duy khoa học chứ không phải cần quyền lực, Hà Nội đang “lạm quyền”, đừng biến thủ đô của một đất nước thành một “căn cứ du kích”, cần có một cuộc họp cấp cao để quyết định vấn đề chống dịch ở Hà Nội… vân vân và vân vân.
Đúng là miệng lưỡi thế gian, trăm người trăm ý, không thể có một quyết định nào có thể chiều lòng tất cả.
Còn nhớ cách đây ít ngày, trên các diễn đàn mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến chê bai, phê bình cách chống dịch của Hà Nội. Cho rằng, Hà Nội chống dịch không nghiêm, để người dân ra đường nhiều trong những ngày giãn cách, các chốt kiểm soát bị nới lỏng… Thậm chí, họ còn kêu gọi Hà Nội phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn, thà “đau một lần” còn hơn cứ để kéo dài giãn cách…
Ấy thế nhưng khi Hà Nội triển khai các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiểm soát chặt chẽ với mục đích cao nhất là sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới thì họ lại lên án, phê phán cho rằng, đó là “ngăn sông cấm chợ”, là biến thủ đô thành “nhà tù”, “căn cứ du kích”, là chống dịch trong tâm thế “sợ hãi”, “sợ toang”… Thật đúng là không thể chiều lòng tất cả.
Tôi đồng ý rằng, chống dịch cần phải dựa trên tư duy khoa học, không dựa trên tư duy quyền lực, chống dịch phải trên tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, chống dịch phải gắn với đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không thể phong tỏa, giãn cách được mãi.
Tuy nhiên, lúc này Hà Nội không làm quyết liệt, mạnh mẽ thì đến bao giờ mới làm. Sau 45 ngày thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm hàng ngày ở Hà Nội vẫn ở mức cao, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn nhiều, các ổ dịch mới vẫn xuất hiện. Thử hỏi, nếu không giãn cách kịp thời thì liệu dịch bệnh ở Hà Nội đến giờ phút này có nằm trong tầm kiểm soát như hiện tại? Bài học từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam vẫn còn hiện hữu.
Hơn nữa, lúc này hầu hết lực lượng, phương tiện, đội ngũ y bác sĩ ở Hà Nội đã được dồn lực, dốc sức cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để chống dịch. Nếu dịch bệnh ở Hà Nội bùng phát thử hỏi lấy đâu lực lượng, phương tiện, nguồn lực để chống dịch. Khi đó, đội ngũ y, bác sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải quay trở về thì tình hình ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ như thế nào?
![]() |
Kiểm soát dịch tại ngõ 328 Nguyễn Trãi |
Bởi vậy, lúc này phải giữ được Hà Nội an toàn bằng mọi giá. Hà Nội là nơi có mật độ dân cư lớn, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Ổ dịch tại 2 ngõ 328, 330 ở phường Thanh Xuân Trung là một điển hình. Nếu Hà Nội không làm nghiêm, làm chặt thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao.
Hà Nội quyết tâm làm mạnh, làm quyết liệt để dịch bệnh được ngăn chặn, khống chế trong thời gian sớm nhất. Có như vậy, cuộc sống bình thường mới sớm trở lại. Hà Nội không thể giãn cách xã hội kéo dài mà muốn vậy thì phải làm nghiêm, làm mạnh, làm chặt, dù rằng điều đó có đôi chút bất tiện.
Chống dịch lúc này không thể “làm dâu trăm họ”. Chính quyền Hà Nội cần dựa trên tư duy khoa học để đưa ra các quyết sách. Nếu phải làm mạnh, làm chặt, làm nghiêm để sớm kiểm soát được tình hình, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất để cuộc sống sớm trở lại bình thường thì tôi và rất nhiều người nữa cũng sẽ đồng tình.
Làm là phải thực chất, tránh hình thức. Hy vọng rằng, sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh. Khi đó, người dân Hà Nội có thể tiếp tục cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.
Việt Nguyễn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét